alt

Thành ủy triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19

  Thứ Bảy, 05/03/2022

Ngày 04/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị, nghe Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo tình hình, công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau nghe các đơn vị báo cáo, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 589-TB/TU ngày 03/3/2022 và Văn bản số 1288/CV-BCĐ ngày 03/3/2022 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận, đánh giá tình hình và thống nhất kết luận, chỉ đạo như sau:

1. Yêu cầu cấp ủy Đảng, Chính quyền, BCĐ phòng chống dịch, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội: từ thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương “Chuyển từ điều trị F0 tập trung sang điều trị F0 ít triệu chứng tại nhà; tập trung mọi nguồn lực cho tuyến cơ sở để kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, đảm bảo mọi bệnh nhân mắc Covid-19 đều được quản lý và hỗ trợ điều trị; không để bệnh nhân từ nhẹ thành nặng, từ nặng dẫn đến tử vong do chủ quan, không kịp thời”. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 589-TB/TU ngày 03/3/2022 và Văn bản số 1288/CV-BCĐ ngày 03/3/2022 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh (sao gửi kèm theo). Tăng cường trách nhiệm, huy động tối đa lực lượng hiện có, bằng mọi biện pháp cấp bách, tạm thời, linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát, khống chế ngay số F0 đang gia tăng hiện nay.

 

2. Giao UBND thành phố/BCĐ phòng chống dịch Covid-19 thành phố

2.1. Quán triệt đầy đủ các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND/Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và của Thành ủy về công tác phòng, chống dịch hiện nay đến tất cả chính quyền các cấp; các phòng, ban, ngành có liên quan.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo phòng, chống dịch của các xã, phường; đặc biệt trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND/Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cá nhân được phân công.

- Chỉ đạo Công an thành phố nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh tại các xã, phường; nhất là các ở các xã, phường tiềm ẩn mất an toàn về an ninh trật tự.

 

2.2. Chủ động phương án huy động tối đa các lực lượng hiện có, nhất là cán bộ y tế; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể thành phố trong việc chỉ đạo và huy động đoàn viên, hội viên tham gia hỗ trợ trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn, khu dân cư.

- Thống nhất với Sở Y tế để tiếp nhận đủ số lượng cán bộ tỉnh tăng cường; Quyết định và phân công đủ nhân lực tham gia phòng, chống dịch tại mỗi thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đảm bảo có sự chủ động, linh hoạt và đảm bảo công tác quản lý. Quan tâm, hỗ trợ điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt cho cán bộ của tỉnh tăng cường xuống cơ sở.

2.3. Chỉ đạo UBND các xã, phường:

- Có quyết định phân công nhiệm vụ, địa bàn (thôn, tổ dân phố, khu dân cư) cho từng cán bộ y tế, lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường; yêu cầu nắm chắc công việc phải làm, nắm chắc địa bàn phụ trách. Bố trí hợp lý lực lượng trực, làm hồ sơ thủ tục tại Trạm y tế/Trạm y tế lưu động (cả sẵn có và lực lượng tăng cường) để tăng cường lực lượng xuống thôn, tổ dân phố và hộ gia đình có bệnh nhân F0; ưu tiên các địa bàn đông dân cư, địa bàn có số ca nhiễm tăng cao, số F0 điều trị tại nhà lớn, đảm bảo yêu cầu mọi F0 điều trị tại nhà phải được xác nhận, thăm khám kịp thời; các bệnh nhân trở nặng, người có bệnh nền phải được phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời.

- Rà soát, bổ sung để đảm bảo tất cả các F0 điều trị tại nhà có đầy đủ thủ tục pháp lý (quyết định cách ly, điều trị và quyết định kết thúc cách ly, điều trị...). Các quyết định, hồ sơ cần thiết theo yêu cầu được chuyển tới tận nhà bệnh nhân F0 đang điều trị.

- Rà soát đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm vắcxin Covid-19. Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức tiêm chủng vắcxin, đảm bảo không để sót đối tượng đủ điều kiện tiêm theo nhân khẩu quản lý của địa phương.

2.4. Chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố:

- Hướng dẫn Trạm y tế các xã, phường; Trạm y tế lưu động; Tổ chăm sóc, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà về chuyên môn, quy trình chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà. Thường xuyên kiểm tra và chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với các Trạm y tế lưu động và các Tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

- Chỉ đạo toàn diện đối với Trạm y tế và Trạm y tế lưu động ở các xã, phường. Bố trí lực lượng hợp lý (cả lực lượng sẵn có và lực lượng tăng cường) để trực, làm hồ sơ thủ tục tại Trạm y tế/Trạm y tế lưu động và lực lượng cán bộ y tế trực tiếp xuống quản lý, hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà.

- Công khai, thống nhất các loại văn bản, hồ sơ, giấy tờ theo hướng tinh gọn để giảm thời gian và nhân lực; mẫu hóa các văn bản để dễ thực hiện cho cán bộ y tế và người dân. Đảm bảo mỗi cán bộ y tế quản lý điều trị F0 tại nhà có đủ 01 bộ hồ sơ theo quy định (hồ sơ đối với bệnh nhân; tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn,…)

3. Đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, phường chịu trách nhiệm toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phụ trách. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Chỉ đạo và trực tiếp chủ trì giao ban hằng ngày với BCĐ phòng chống dịch; các đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách thôn, tổ dân phố; lãnh đạo Công an, Quân sự xã/phường, Trạm y tế để nghe báo cáo tình hình và kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Chỉ đạo, kiểm tra việc bố trí nhân lực tham gia phòng, chống dịch nói chung và việc thực hiện chủ trương tập trung tối đa nhân lực hỗ trợ điều trị F0 tại nhà trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo UBND rà soát, hoàn thiện, bổ sung toàn bộ hệ thống văn bản và các quyết định hành chính liên quan đến công tác phòng, chống dịch: Quyết định thành lập và hoạt động của Trạm y tế lưu động; Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ chăm sóc F0 tại nhà; Quyết định phân công và thực hiện nhiệm vụ của Trạm y tế; Danh sách cán bộ y tế được phân công xuống thôn, tổ dân phố; Bảng nhật ký theo dõi hằng ngày F0 của cán bộ y tế theo dõi địa bàn; trách nhiệm của UBND và các lực lượng khác tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch....

- Chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc huy động đoàn viên, hội viên gia công tác phòng, chống dịch; trong đó xác định rõ lực lượng tham gia; nhiệm vụ sẽ đảm nhiệm.

4. Giao Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố:

Căn cứ hướng dẫn của cơ quan ngành dọc cấp phân công việc tham gia đảm nhận các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch, như: hỗ trợ các gia đình có F0 (mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu,…); tuyên truyền trong hội viên chủ động, tự giác và vận động gia đình chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; hỗ trợ các gia đình có F0 các việc liên quan đến sản xuất; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy định phòng chống dịch; hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải; tiếp tục huy động đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác điều trị F0 tại nhà; tham gia phát thuốc, tờ rơi và các nhu yếu phẩm…; tuyên truyền, giám sát không tụ tập đông người; giám sát các gia đình có F0, phát hiện các F0 không khai báo; kết nối các khu nhà trọ công nhân để có sự hỗ trợ kịp thời; phát huy các tổ công đoàn trong các doanh nghiệp để làm tốt công tác phòng, chống dịch cho công nhân.

5. Các đồng chí Ủy viên BTV Thành ủy phụ trách các xã, phường:

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường được phân công phụ trách; trực tiếp xuống cơ sở để nắm chắc tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng, chống dịch ở các địa phương, đơn vị được phân công phụ trách, theo dõi.

6. Các Đoàn kiểm tra (theo Quyết định số 685 của BTV Thành ủy):

Tiếp tục duy trì công tác kiểm tra hoạt động của Tổ Covid cộng đồng, Tổ liên gia tự quản trong việc rà soát, quản lý số F0, F1 cách ly/điều trị tại nhà; hoạt động của Trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà/nơi lưu trú; việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi cứ trú theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND/BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; của Thành ủy, UBND/BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra; tham mưu, đề xuất biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch tại các địa phương được kiểm tra với Ban Thường vụ Thành ủy. (các nội dung kiểm tra theo Đề cương kèm theo Thông báo số 44/TB-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh, được sao gửi kèm)

7. Chế độ giao ban, báo cáo:

- Hằng ngày (bắt đầu từ 07h30’ - Tại phòng họp tầng 2 Thành ủy) Thường trực Thành ủy tổ chức họp giao ban, nghe BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố; các Ủy viên Thường vụ Thành ủy phụ trách các xã, phường; lãnh đạo Công an thành phố, Ban Chỉ huy quân sự thành phố, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố báo cáo tình hình và quyết định lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Tùy theo tình hình, diễn biến của dịch bệnh, Thường trực Thành ủy có thể sẽ triệu tập các cuộc họp đột xuất hoặc điều chỉnh lịch họp giao ban cho phù hợp với tình hình, đồng thời để đảm bảo thời gian cho các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.

- Yêu cầu UBND/BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố; các xã, phường và các đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên, kịp thời cập nhật tình hình và tổng hợp, báo cáo trước 07h00’ hằng ngày.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu UBND/BCĐ phòng, chống Covid-19 thành phố; các phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể thành phố; các xã, phường và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.

Viết bình luận của bạn:
Gọi ngay Đặt lịch khám

Đăng ký tư vấn trực tuyến

tiếp nhận thông tin 24/24h

Đặt lịch hẹn khám

Bạn đang cần được tư vấn ?